10 luật có hiệu lực; nhiều quy định mới về thẻ căn cước

Từ hôm nay (1/7), 10 luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Căn cước 2023; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Giá 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Luật Phòng thủ dân sự 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Tài nguyên nước 2023.

Trong đó, Luật Căn cước chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Thẻ căn cước sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng; thay vào đó sẽ có thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân.

Thẻ căn cước công dân đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Thẻ căn cước công dân đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ (Ảnh: Mạnh Quân).

Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng. Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Luật Các tổ chức tín dụng quy định nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt

Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Cụ thể, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển khoản các lần trong một ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Những cá nhân chưa thể đăng ký sinh trắc học với ngân hàng thì buộc phải ra quầy giao dịch khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng (Ảnh: Nhật Quang).

Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Tăng lương cơ sở và mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7 khóa XV, trong đó đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu/tháng kể từ ngày 1/7.

Cũng từ 1/7 điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024). Đối với những người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Quốc hội cũng đồng ý điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng (tăng 38,9%).

Người dân được xuất trình giấy tờ trên VNeID khi CSGT kiểm tra

Thông tư 28/2024 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và Thông tư số 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, có hiệu lực từ 1/7.

Điểm mới đáng chú ý, Thông tư 28 đã sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông. Theo đó, khi thông tin của các giấy tờ đã tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu.

Từ 1/7, CSGT có thể kiểm tra thông tin người vi phạm trên ứng dụng VNeID, việc này có giá trị như kiểm tra giấy tờ trực tiếp (Ảnh: Trần Thanh).

Đại diện Cục CSGT khẳng định việc kiểm tra thông tin của người dân đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID sẽ giúp người dân đỡ phải xuất trình nhiều loại giấy tờ cùng một lúc, giảm bớt thời gian kiểm tra, kiểm soát so với trước đây.

Công khai người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Khoản 1 Điều 24 Nghị định 55/2024 hướng dẫn Luật Bảo vệ người tiêu dùng (có hiệu lực từ 1/7) quy định, nếu người bán hàng online có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị công bố công khai trên báo, đài, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh.

Nội dung công khai gồm tên, địa chỉ của người bán hàng có hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hành vi, địa bàn vi phạm; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc công khai thông tin được thực hiện trong 30 ngày kể từ ngày công bố.

Giảm mạnh nhiều khoản phí, lệ phí

Thông tư số 43 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12. Trong thời gian này sẽ giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng (mức thu bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Thông tư số 150/2016).

Giảm 50% đối với lệ phí cấp thẻ căn cước; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp; phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản.

Thông tư số 43 còn giảm 10-30% nhiều khoản phí, lệ phí khác như: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không.

Kể từ ngày 1/1/2025, mức thu các khoản phí, lệ phí nêu trên thực hiện theo quy định tại các thông tư gốc, Thông tư số 63/2023/TT-BTC và các Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).